Blockchain là một khái niệm được nhắc đến nhiều trên các phương tiện truyền thông xã hội gần đây và nó được ví von như "The next big things" thế hệ tiếp theo. Vậy thực chất blockchain là gì và ứng dụng của nó vào đời sống của chúng ta như thế nào.
Blockchain là một chủ đề nóng trên các diễn đàn toàn cầu hiện nay. Đây chính là công nghệ đứng sau những đồng tiền điện tử như Bitcoin. Một số người lo lắng bong bóng Bitcoin có thể sụp đổ bất cứ lúc nào và làm ảnh hưởng đến các thị trường giao dịch trên toàn thế giới. Tuy nhiên, cũng có không ít người cho rằng công nghệ phía sau nó là một sự đột phá và sẽ nhanh chóng trở thành một nền tảng vững mạnh trong tương lai.
Vậy thì Blockchain thực chất là gì? Nó có thể ứng dụng vào những lĩnh vực nào trong cuộc sống và tại sao nó lại được quan tâm như vậy?
Theo định nghĩa từ Wikipedia và nhiều diễn đàn về tiền tệ thì "Công nghệ Blockchain (chuỗi khối) – là một cuốn sổ cái (tên ban đầu là block chain) ghi lại số dư và lịch sử của tất cả tài khoản tham gia vào chuỗi giao dịch của mình".
Mỗi khối chứa thông tin trong hệ thống blockchain thường được gọi là "block". Các block đều chứa thông tin về thời gian khởi tạo và được liên kết với khối trước đó, kèm theo đó là một mã thời gian và dữ liệu giao dịch. Dữ liệu khi đã được mạng lưới chấp nhận thì sẽ không có cách nào thay đổi được. Vì vậy, có thể nói Blockchain ra đời để chống gian lận và thay đổi các dữ liệu trong các giao dịch.
Có thể đến đây bạn đã hình dung được phần nào Blockchain là gì, nhưng để hiểu rõ hơn, bạn cần chú ý một số vấn đề sau:
Tại sao công nghệ này có tên là Blockchain?
Mạng lưới Bitcoin sắp xếp các giao dịch bằng cách nhóm chúng lại vào các nhóm được gọi là các khối (block), mỗi khối chứa một số lượng các giao dịch nhất định và một liên kết đến khối trước đó. Theo thời gian, các giao dịch tăng lên thì các khối cũng tăng lên, chúng liên kết nối đuôi nhau và và được tổ chức thành chuỗi, từ đó hệ thống được hình thành với tên gọi là Blockchain.
Theo các chuyên gia, Blockchain là sự kết hợp giữa 3 loại công nghệ:
- Mật mã học: công nghệ blockchain đã sử dụng public key và hàm hash function để đảm bảo tính minh bạch và riêng tư cho các giao dịch.
- Mạng ngang hàng (peer-to-peer network): Mỗi một nút trong mạng được xem như một client và cũng là server để lưu trữ bản sao ứng dụng.
(Lưu ý: Mạng ngang hàng (tiếng Anh: peer-to-peer network), còn gọi là mạng đồng đẳng, là một mạng máy tính trong đó hoạt động của mạng chủ yếu dựa vào khả năng tính toán và băng thông của các máy tham gia chứ không tập trung vào một số nhỏ các máy chủ trung tâm như các mạng thông thường – Theo Wikipedia).
- Lý thuyết trò chơi: Tất cả các nút tham gia vào hệ thống đều phải tuân thủ luật chơi đồng thuận (giao thức PoW, PoS…).
Ở góc độ doanh nghiệp, blockchain có thể xem là một sổ cái kế toán hay một cấu trúc dữ liệu chứa đựng tài sản, ghi chép lại lịch sử tài sản của tất cả mọi người trong hệ thống mạng ngang hàng.
Dưới góc độ kỹ thuật, blockchain là một phương thức để lưu trữ lịch sử các giao dịch tài sản.
Còn ở góc độ xã hội, blockchain giúp thiết lập niềm tin bằng quy tắc đồng thuận giữa các thành viên trong 1 hệ thống phân cấp.
Blockchain hoạt động như thế nào?
Công nghệ blockchain cho phép thực hiện các giao dịch có giá trị mà không cần sự tin tưởng hoặc chứng cứ làm tin. Hãy tưởng tượng tôi và bạn sẽ làm một vụ cá độ, tôi cược 100 USD cho Liverpool sẽ thắng trong trận chung kết cúp C1 sắp tới và bạn thì cho rằng Liverpool sẽ thua. Trước đây, vụ cá cược này có thể được thực hiện bằng 2 cách: tin tưởng lẫn nhau (nghĩa là chỉ cần có kết quả trận đấu thì tôi hoặc bạn sẽ tự giác chung tiền cho người thắng cược) hoặc lập thành một hợp đồng giữa 2 bên (hợp đồng này có thêm sự ràng buộc về mặt pháp lý nhưng nếu một bên không tuân thủ thì bên còn lại phải tốn thêm chi phí pháp lý để làm các thủ tục kiện ra tòa).
Cả sự tin tưởng và hợp đồng đều không phải là giải pháp tối ưu. Vì vậy, công nghệ blockchain ra đời cung cấp cho chúng ta một lựa chọn giao dịch thứ 3, vừa an toàn lại vừa rẻ tiền.
Blockchain cho phép viết một vài dòng code để tạo ra một chương trình có thể chạy trên nền tảng này. Sau đó, tôi và bạn sẽ gửi 100 USD của mình vào chương trình này. Chương trình sẽ giữ 200 USD và kiểm tra kết quả trận chung kết cúp C1 sau khi nó kết thúc. Khi xác định được đội thắng, đội thua, nó sẽ tự động chuyển cho người thắng toàn bộ số tiền cược. Mỗi bên có thể kiểm tra hợp đồng logic, và vì nó đang chạy trên blockchain nên nó không thể thay đổi hoặc ngừng lại. Tất nhiên, ít ai bỏ công viết một ứng dụng chỉ để cá cược 100 USD, nhưng hãy tưởng tượng với các giao dịch lớn hơn như bán nhà đất, mua xe ô tô… thì phương thức thanh toán qua blockchain trở nên tiện lợi và an toàn như thế nào.
Ứng dụng được biết đến và thảo luận nhiều nhất của công nghệ blockchain chính là Bitcoin. Một loại tiền tệ số có thể được sử dụng để trao đổi sản phẩm và dịch vụ, giống như đồng đô la Mỹ (USD), Euro (EUR) và nhiều loại tiền của các quốc gia khác.
Ngoài Bitcoin, blockchain còn có thể được áp dụng cho các hợp đồng thông minh, kinh tế chia sẻ, mở rộng thị trường gọi vốn, quản trí, kiểm tra chuỗi cung ứng… Những ứng dụng của blockchain sẽ tiếp tục được VnReview chia sẻ trong các bài viết tiếp theo về công nghệ này.